Top-banner
Top-banner 1

Biến chủng Delta và tác dụng của vacxin

Biến chủng Delta: còn gọi là biến chủng B.1.617.2, là một trong các biến chủng của SARS-CoV2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Từ khi xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn biến chủng này đã lan rộng ra hơn 98 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành biến chủng nổi trội ở hằng loạt các quốc gia như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Israel, Anh và khu vực Đông Nam Á.

1. Biến chủng Delta: còn gọi là biến chủng B.1.617.2, là một trong các biến chủng của SARS-CoV2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 12/2020. Từ khi xuất hiện, chỉ trong một thời gian ngắn biến chủng này đã lan rộng ra hơn 98 quốc gia trên toàn thế giới và trở thành biến chủng nổi trội ở hằng loạt các quốc gia như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Israel, Anh và khu vực Đông Nam Á.
 Tại Hoa Kỳ tuy là một quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng khá cao nhưng cũng phải hứng chịu những đợt bùng phát lây nhiễm của biến chủng này từ khi tái mở cửa nền kinh tế. Người ta ước tính biến chủng Delta chiếm khoảng 83% tổng số ca nhiễm được thông báo. Tại Vương quốc Anh, biến chủng Delta cũng là biến chủng lây lan nhanh nhất với tổng số ca nhiễm là hơn 600 ngàn ca so với hơn 277 ngàn ca của biến chủng Alpha. Theo số liệu ngày 3/9/2021 số ca nhiễm mới của biến chủng này là hơn 70 ngàn ca so với chỉ 344 ca nhiễm biến chủng Alpha.
  Biến chủng Delta đã được Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) phân loại là biến chủng đáng lo ngại cùng với 3 biến chủng khác gồm biến chủng Alpha, Beta và Gamma.
   Một biến chủng được xem là biến chủng đáng lo ngại nếu:
- Có các bằng chứng tác động xấu đến chẩn đoán, điều trị hay tác dụng của vacxin.
- Có bằng chứng gia tăng tính lây nhiễm
- Có các bằng chứng làm tăng độ nặng của bệnh.
2. Những điểm đáng lo ngại của biến chủng Delta:
a. Biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn:
Đã có những thống kê cho thấy rằng biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao hơn biến chủng Alpha khoảng từ 40-60% và lây nhiễm gấp hai lần dòng virus ban đầu tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ngoài ra những bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta có tải lượng virus trong đường thở cao hơn khoảng 1000 lần so với các biến chủng khác.
b. Biến chủng Delta có nguy hiểm hơn các biến chủng khác:
Khảo sát tại Anh cho thấy rằng biến chủng Delta có những triệu chứng khác biệt với các dòng còn lại nhưng không có bằng chứng cho thấy rằng các triệu chứng sẽ nặng hơn. Các triệu chứng thường gặp là sốt, đau đầu, đau họng và xổ mũi trong khi triệu chứng ho và mất khướu giác ít gặp hơn. Việc gia tăng tỷ lệ nhập viện và tử vong tại các nước có biến chủng Delta đang hoành hành trong thời gian vừa qua không chứng minh được do chủng này có độc lực cao hơn hay nguyên nhân đơn giản là do tỷ lệ lây nhiễm cao, đặc biệt tại các nước chưa được tiêm phòng đầy đủ dẫn đến tình trạng quá tải trong các cơ sở y tế.
Các nghiên cứu thống kê đang được tiếp tục tiến hành để làm rõ sự nguy hiểm của biến chủng Delta so với các biến chủng khác. Nhiên cứu của Katherine Twohig và cộng sự trên tạp chí Lancet với hơn 43 ngàn bệnh nhân cho thấy rằng những người nhiễm biến chủng Delta có tỷ lệ nhập viện và nhập cấp cứu cao gấp 2 lần so với biến chủng Delta. Nghiên cứu này cũng cho thấy rằng những bệnh nhân nhiễm biến chủng Delta có độ tuổi trung bình trẻ hơn (khoảng 31 tuổi) và chủ yếu là người châu Á.
Tuy nhiên có một điều rõ ràng rằng biến chủng này này đang lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng những người chưa được tiêm vacxin. Nghiên cứu khảo sát tại Scotland, Anh cho thấy rằng những người chưa tiêm phòng có tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến chủng Delta cao hơn gấp 2 lần so với những người đã được tiêm chủng. Còn tại Hoa Kỳ, dù chưa có số liệu chính thức nhưng người ta ước tính khoảng 99% ca nhập viện và tử vong là ở những người chưa được tiêm chủng. Vì thế cách hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ lây nhiễm biến chủng Delta là việc thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế và tiêm phòng đầy đủ.
3. Tác dụng của vacxin đối với biến chủng Delta:
 Biến chủng Delta được xem là biến chủng nguy hiểm do có những đột biến làm tăng tỷ lệ lây nhiễm, tăng gánh nặng cho hệ thống y tế và hậu quả cuối cùng là làm tăng số bệnh nhân tử vong. Hiện nay các nghiên cứu đang được tiến hành để đành giá hiệu quả bảo vệ của vacxin đối với biến chủng này.
 Theo Jamie Lopez Bernal, sau khi tiêm một liều vacxin (Pfizer hoặc Astra Zeneca) tác dụng bảo vệ khoảng 30.7% đối với biến chủng Delta và khoảng 48.7% đối với biến chủng Alpha. Mức bảo vệ này là chưa đủ so với mức hiệu quả bảo vệ tối thiểu của một loại vacxin mà Hiệp hội thuốc và thực phẩm Hoa kỳ yêu cầu là 50%. Tuy nhiên khi tiêm hai mũi vacxin tác dụng bảo vệ của Pfizer đối với biến chủng Alpha tăng lên khoảng 93.7% và khoảng 88% đối với biến chủng Delta; với vacxin AstraZeneca, sau khi tiêm hai mũi tác dụng bảo vệ khoảng 74.5% đối với biến chủng Alpha và giảm còn khoảng 67% đối với biến chủng Delta. Nghiên cứu này chỉ ra rằng chỉ có sự khác biệt nhỏ về hiệu quả của vacxin ở những người đã được tiêm đủ hai mũi hay nói cách khác vacxin vẫn có tác dụng bảo vệ cao trong việc ngăn ngừa tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Covid-19 trở nặng cần nhập viện hay nhập cấp cứu. Ngoài ra có một sự khác biệt lớn về tác dụng của vacxin giữa những người được tiêm một mũi so với những người được tiêm đủ hai mũi (tác dụng bảo vệ tăng gần 2-3 lần). Do đó việc tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch trình là điều rất quan trọng để ngăn những cá thể bị nhiễm trở nặng.
 Ở những người đã nhiễm Covid-19 sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tự sản sinh kháng thể chống lại mầm bệnh tuy nhiên kháng thể này không bền vững và không xuất hiện ở tất cả những cá nhân bị nhiễm. Hơn thế nữa nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature chỉ ra rằng kháng thể này bị giảm hiệu quả khoảng 4 lần đối với biến chủng Delta so với biến chủng Alpha. Nghiên cứu này cũng cho thấy những người chỉ tiêm một mũi vacxin (Pfizer hay AstraZeneca) không có hoặc rất ít kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Delta.
 Những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Hoa Kỳ đã quyết định nới lỏng phong tỏa để người dân có thể quay lại cuộc sống như bình thường tuy nhiên khi đánh giá những ca nhiễm ở những người đã được tiêm phòng đầy đủ (2 mũi Pfizer hay Moderna) người ta vẫn thấy tỷ lệ nhiễm đột phá rất cao (khoảng 74%). Và trong số này những người nhiểm biến chủng Delta chiếm đến 90%. Tuy nhiên nghiên cứu này lại không đánh giá tiên lượng của những bệnh nhân nhiễm sau khi đã tiêm đủ liều mà chỉ khuyến cáo người dân nên đeo khẩu trang khi làm việc trong phòng kín bất kể họ đã tiêm phòng đủ. Do tỷ lệ lây nhiễm đáng ngại này mà một số nước châu Âu, Hoa Kỳ, Israel đã có một số khuyến cáo nên tiêm chủng mũi vacxin thứ 3 thậm chí nhiều hơn nữa cho người dân.
  Mặc dù với kịch bản dịch bệnh như thế nào đi nữa, việc mà mọi người dân chúng ta cần làm hiện tại là luôn phải thực hiện tốt 5K, tiêm chủng đầy đủ khi có điều kiện để có thể khống chế dịch bệnh, trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Thạc sỹ. Bác sỹ TẠ VIỆT CƯỜNG     
Tài liệu tham khảo:
Jamie Lopez Bernal et al (2021). Effectiveness of Covid-19 Vaccines against the B.1.617.2 (Delta) Variant. The New England of Journal Medicine. Volume 385, No.7, pg 585-594.
Catherine M. Brown et al (2021). Outbreak of SARS-CoV-2 Infections, Including COVID-19 Vaccine Breakthrough Infections, Associated with Large Public Gatherings — Barnstable County, Massachusetts, July 2021. Morbidity and Mortality Weekly Report, US Department of Health and Human Services/Centers for Disease Control and Prevention. August 6, 2021. Volume 70, No.31, pg 1059-1062
Delphine Planas et al (2021). Reduced sensitivity of SARS-CoV-2 variant Delta to antibody neutralization. The Nature.
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/variants/variant-info.html.
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/variants/variant-info.html#Concern
https://www.gov.uk/government/publications/covid-19-variants-genomically-confirmed-case-numbers/variants-distribution-of-case-data-3-september-2021.
https://virological.org/t/viral-infection-and-transmission-in-a-large-well-traced-outbreak-caused-by-the-delta-sars-cov-2-variant/724
https://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(21)01358-1 /fulltex
BANNER-DETAIL